- 20/04/2019
- Posted by: Đào Nhật Minh
- Category: Báo chí
[Thời báo Ngân hàng] Công nghệ eKYC tăng năng suất lao động lên gấp 15 lần so với mô hình cũ và quan trọng là khách hàng hài lòng hơn.
Tại Việt Nam, số hóa các giao dịch tài chính – ngân hàng đang dần trở thành một xu thế tất yếu đòi hỏi các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sớm có lộ trình thực hiện. Số hóa ngành Ngân hàng không chỉ bao gồm việc chuyển đổi các hoạt động giao dịch tài chính, tín dụng, thẻ lên môi trường trực tuyến mà còn bao gồm cả các quy trình nghiệp vụ có liên quan, trong đó không thể không kể đến quy trình nhận biết khách hàng. Đây là một trong những quy trình cơ sở, là đầu vào để các tổ chức tài chính có thể thực hiện các giao dịch một cách an toàn và bền vững.
Hiện nay, mới chỉ có một số TCTD xây dựng và tiến hành thử nghiệm quy trình eKYC trong hoạt động kinh doanh như: Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Bên cạnh đó một số TCTD thông qua các công ty, đối tác liên kết cũng đã tổ chức thực hiện nhận biết khách hàng tại quầy giao dịch của đối tác mà khách hàng không cần phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng mình như: mô hình hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Quân đội và Viettel cung cấp dịch vụ ViettelPay, mô hình hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt với VNPost…
Việc áp dụng quy trình nhận biết khách hàng mới trong hoạt động kinh doanh đã và đang mang lại những lợi ích to lớn cho cả khách hàng cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, quy trình eKYC không có sự trao đổi trực tiếp giữa giao dịch viên và khách hàng còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa thân thiện với khách hàng; Tính xác thực và chính xác thông tin mà khách hàng cung cấp; Vấn đề an ninh, bảo mật; Tính minh bạch, hiệu lực của quy trình eKYC.
Trong năm 2018, tại Việt Nam đã xuất hiện một số sản phẩm, dịch vụ của các công ty FinTech nhằm cung cấp giải pháp nhận biết khách hàng điện tử (eKYC) đến với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như: MK GROUP (giải pháp MK eKYC); HYPERLOGY (giải pháp SMART eKYC); VeriMe (giải pháp D-KYC)… Giải pháp mà các công ty FinTech này hướng tới chủ yếu là ở khía cạnh công nghệ, họ cung cấp những công nghệ xác thực mới nhất như: Sinh trắc học (vân tay, mống mắt, nhận diện khuôn mặt, giọng nói); nhận dạng ký tự quang học (OCR)… trên cơ sở quy trình nhận biết khách hàng sẵn có.
Điều này cho thấy, cốt lõi để có thể thay đổi và phát triển eKYC là phải có quy định, quy trình chuẩn để các bên có thể thực hiện. Do đó, để có thể tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tài chính – ngân hàng, cụ thể trong quy trình eKYC thì các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này. Đồng thời, các tổ chức tham gia vào lĩnh vực này cũng cần có những báo cáo, đề xuất kịp thời đối với các cơ quan quản lý nhà nước để cùng xây dựng những quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thực tế kinh doanh tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Qua nghiên cứu về thực trạng phát triển eKYC trong các dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua, kết hợp với các bài học, kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, một số giải pháp eKYC có thể được thực hiện tại Việt Nam như sau: Nhóm giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách bao gồm: (I) Xây dựng quy trình eKYC áp dụng chung cho các dịch vụ tài chính – ngân hàng; Điều chỉnh, bổ sung quy định về chia sẻ, xác thực thông tin khách hàng; Điều chỉnh, bổ sung quy định về việc kết nối, trao đổi thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp tiện ích…; Bổ sung quy định thừa nhận tính pháp lý của eKYC trong các giao dịch tài chính – ngân hàng. (II) Nhóm giải pháp về xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ eKYC bao gồm: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân, tổ chức; Xây dựng hệ thống xác thực định danh điện tử; Xây dựng kho dữ liệu thông tin khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Đồng thời, có thể kết hợp tổ chức thực hiện một số giải pháp hỗ trợ việc phát triển eKYC như: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào trong dịch vụ hành chính công; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ và sẵn sàng tham gia eKYC; Tăng cường quản lý, giám sát và áp dụng các tiêu chuẩn chung cho các hệ thống thực hiện eKYC; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ tài chính phát triển eKYC; Thúc đẩy nhu cầu từ phía nhà cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng và tận dụng sự hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Để tận dụng được tiềm năng mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, phát triển nhận biết eKYC trong các dịch vụ tài chính – ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu cần phải thực hiện ngay. Điều này không chỉ cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng mà còn cần sự tham gia từ các bên liên quan trong hệ sinh thái Fintech.
Đối với Chính phủ: (i) Hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ, phù hợp cho sự phát triển eKYC tại Việt Nam, không chỉ giới hạn trong các hoạt động kinh doanh, tài chính – ngân hàng mà mở rộng trong việc cung cấp các dịch vụ công, quản lý nhà nước; (ii) Đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia do đơn vị mình chủ trì, đồng thời nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định về việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia đó; Đối với Ngân hàng Nhà nước: (i) Tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành các quy định liên quan đến eKYC theo hướng đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, xây dựng chính sách, cơ chế mới nhằm xây dựng môi trường kinh doanh theo hướng đổi mới, sáng tạo, ưu tiên nội lực trong nước, phục vụ cho sự phát triển của ngành Ngân hàng tại Việt Nam; (ii) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như: ngân hàng đại lý, eKYC, phòng chống rửa tiền, bảo vệ thông tin khách hàng… đồng thời xây dựng một số khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox Framework) cho các đơn vị Fintech hoạt động trong thời gian đầu; (iii) Xem xét, tạo điều kiện thúc đẩy việc xây dựng kho dữ liệu thông tin khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng hướng tới mục tiêu trở thành một trong những cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin định danh. Đối với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): (i) Đẩy mạnh việc hợp tác, thu thập thêm thông tin từ các nguồn phi tín dụng, từ các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; (ii) Chuẩn hóa dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới các chuẩn chung của khu vực và thế giới, qua đó chuyển dịch từ những sản phẩm thông tin truyền thống thành các dịch vụ hỗ trợ quy trình eKYC cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng. Đối với các tổ chức tín dụng, đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng cần: (i) Thay đổi quan điểm nhìn nhận về eKYC, không coi đây là một việc phải làm mà là một việc cần và nên làm ngay; (ii) Tăng cường phát triển các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng nhằm tạo động lực để khách hàng chấp nhận tham gia vào quá trình eKYC; (iii) Chủ động trong việc hiện đại hóa công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, sản xuất kinh doanh của mình.
Đối với các công ty Fintech: (i) Nghiên cứu, sử dụng công nghệ eKYC phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam; (ii) Phối hợp, liên kết cùng với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp truyền thống trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại trên cơ sở ứng dụng eKYC vào quá trình kinh doanh, tận dụng cơ sở dữ liệu khách hàng hiện có của các đơn vị này theo nguyên tắc cùng có lợi; (iii) Xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá về những lợi ích mà dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại mang lại kết hợp với việc ứng dụng eKYC để khuyến khích khách hàng tham gia vào quá trình eKYC.
(Trích nguồn: thoibaonganhang.vn | Tác giả: Phan Huy Thắng – Phó tổng giám đốc CIC)
[Đôi nét về Hyperlogy và giải pháp SMART eKYC]
Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT, cung cấp sản phẩm dịch vụ công nghệ cho các Tổ chức, Ngân hàng – Tài chính – Chính phủ, Viễn thông và các doanh nghiệp lớn, đến với Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2018 lần này, Hyperlogy sẽ trình diễn chuỗi giải pháp công nghệ đột phá cùng một số tiện ích nâng cao nằm trong hệ sinh thái SMART DIGITAL BANK:
- SMART eKYC: Giải pháp giúp Ngân hàng hiểu khách hàng (Know Your Customer); Tăng gấp 15 lần năng suất lao động; Chỉ 1 phút giao dịch;
- SMART Booking: Cung cấp Dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho Khách hàng.
- MOBILE eKYC: Áp dụng xác thực sinh trắc học (Biometrics Authentication) trên di động – Giúp ngân hàng nâng cao trải nghiệm khách hàng.