(Thời báo Ngân hàng) Retail Banking Forum 2018: Thử nghiệm các mô hình thanh toán mới

(Theo Thời báo Ngân hàng – Cơ quan của NHNNViệt Nam) Ngày 29/11, Diễn đàn Phát triển Ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ số năm 2018 (Retail Banking Forum 2018) do IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.

Tại đây, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia (IBPS) làm nền tảng kết nối với các ngân hàng thương mại (NHTM) và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.

Retail Banking Forum 2018, năm thứ 7 của diễn đàn này, ghi nhận nhiều ngân hàng phát triển ngân hàng bán lẻ trong nền công nghiệp số hóa

Thanh toán di động tăng trên 100%

Ông Sơn cho biết NHNN cũng sẽ đưa vào vận hành hệ thống bù trừ tự động (ACH) để phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ. Đặc biệt, các đơn vị chức năng thuộc NHNN cũng sẽ xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp công nghệ tài chính và các mô hình thanh toán mới, từ đó hình thành hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến thời điểm cuối quý III/2018, trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã có 3 NHTM triển khai thí điểm các mô hình đại lý ngân hàng, bao gồm: Vietcombank (phối hợp với ví điện tử MoMo), MB (phối hợp với Viettel) và PGBank (phối hợp với Petrolimex).

Tổng số điểm cung cấp dịch vụ của 3 mô hình đại lý ngân hàng kể trên đến quý III/2018 là khoảng trên 100.000 điểm, với khoảng gần 8,8 triệu khách hàng sử dụng. Giá trị giao dịch thông qua các mô hình đại lý ngân hàng đạt khoảng 158,5 tỷ đồng.

Giá trị thanh toán qua internet, điện thoại di động và ví điện tử tại Việt Nam lần lượt tăng trưởng ở mức 18%, 126% và 161%.

NHNN đã cấp phép cho 27 tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đến hiện nay toàn hệ thống có 78 NHTM đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 41 ngân hàng triển khai thanh toán qua điện thoại di động và 16 ngân hàng áp dụng thanh toán bằng mã QR Code.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 42,3 triệu người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ khoảng 60,2%. Số lượng máy ATM và máy POS đã được lắp đặt đạt lần lượt khoảng gần 18.200 máy ATM và 295.500 máy POS.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, ngành Ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu 70% số người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, phát triển khoảng 300 ngàn máy POS và đưa số giao dịch thanh toán qua POS đạt mức 200 triệu giao dịch/năm.

Áp dụng công nghệ bán được nhiều sản phẩm hơn

Tại Retail Banking Forum 2018, nhiều doanh nghiệp đã trình diễn nhiều giải pháp công nghệ cho ngân hàng số nhằm tăng hiệu suất lao động và làm hài lòng hơn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Ông Chu Xuân Vinh, Chủ tịch Công ty Hyperlogy, cho biết hiện nay người dân muốn dùng các dịch vụ internet banking, mobile banking vẫn phải đến quầy giao dịch khai thông tin vào các biểu mẫu sau đó ngân hàng lại phải nhập liệu của khách hàng trên rất nhiều mẫu khác nhau trong hệ thống ngân hàng. Sau đó, lại có một người của ngân hàng phê duyệt cho toàn bộ các biểu mẫu thông tin khách hàng muốn sử dụng dịch vụ. Thống kê thời gian hoàn tất một mẫu thông tin khách hàng muốn sử dụng dịch vụ ngân hàng mất từ 15-30 phút.

Với công nghệ định danh khách hàng điện tử (SMART eKYC) của Hyperlogy, giờ đây chỉ cần đưa CMND cho ngân hàng đưa vào máy quét, sau đó tách thông tin hai mặt ra và thông tin được gửi cho giao dịch viên in ra cho khách hàng ký tên vào một mẫu duy nhất. Các thông tin nhân thân sẽ được đẩy đến các bộ phận liên quan bằng một cú nhấp chuột, thay vì phải ngồi đợi.

Tương tự, những khách muốn rút tiền chỉ cần thông báo cho ngân hàng và hẹn giờ đến ngân hàng thời gian giao dịch chỉ vài chục giây là hoàn tất một giao dịch.

Theo tính toán, công nghệ eKYC tăng năng suất lao động lên gấp 15 lần so với mô hình cũ và quan trọng là khách hàng hài lòng hơn. Ngoài ra, công nghệ này còn đánh giá tín nhiệm khách hàng và lịch sử giao dịch khách hàng nhanh chóng và phân tích nhu cầu khách hàng dựa trên kho dữ liệu điện tử để triển khai các dịch vụ cho vay, thanh toán…

Từ khi đưa dịch vụ định danh khách hàng điện tử áp dụng vào hệ thống MB, ngân hàng này rất hài lòng khi những khách hàng cũ không chỉ sử dụng một dịch vụ mà đã mua theo gói dịch vụ của ngân hàng. Khi bán theo gói thì dịch vụ ngân hàng gia tăng tiện ích nhiều hơn với chi phí thấp hơn cho khách hàng.

Thực tế, giải pháp này không thay thế những cách làm hiện tại mà nó chỉ đẩy nhanh quá trình làm một thủ tục sử dụng dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, công nghệ có thể sử dụng vân tay, mống mắt để định danh khách hàng điện tử…

(Theo Thời báo Ngân hàng – Cơ quan của NHNN Việt Nam)