Mở tài khoản không cần gặp mặt – Cuộc đua mở rộng thị phần của các ngân hàng Việt

Liên quan đến việc cho phép mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng điều này sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng, đồng thời, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay…

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/1/2020, cũng đã nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện là: “Cho phép áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC) đối với việc mở tài khoản tại các tổ chức được cấp phép để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá trị nhỏ của cá nhân và doanh nghiệp”.

Theo tinh thần đó, thực hiện rà soát, chỉnh sửa một số quy định về hồ sơ, thủ tục mở tài khoản thanh toán tại Thông tư 23 (Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) để phù hợp với quy định về mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng; hạn chế tối đa việc xáo trộn trong quy trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán hiện hành tại các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Về cơ bản, dự thảo Thông tư giữ nguyên các yêu cầu về giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng là cá nhân, tổ chức và tài khoản chung tại Điều 12 Thông tư 23. Nhưng để phù hợp với trường hợp mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, dự thảo Thông tư quy định: “Yêu cầu về giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán đối với trường hợp mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 là bản số hoá; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân”.

Dự thảo Thông tư 23 chỉnh sửa quy định về giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán và thỏa thuận (hoặc hợp đồng) mở, sử dụng tài khoản thanh toán (Điều 13). Đồng thời, bổ sung quy định về mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng (tại khoản 2 Điều 14).

Trường hợp nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (tại điểm b khoản 2 Điều 14). Dự thảo thông tư cho phép ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng.

Dự thảo Thông tư quy định ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phạm vi sử dụng, hạn mức giao dịch tài khoản thanh toán nhưng phải đảm bảo hạn mức tổng giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua tài khoản thanh toán không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng. Tuy nhiên, hạn mức giao dịch này không áp dụng cho các trường hợp: Ngân hàng áp dụng công nghệ cuộc gọi ghi hình (Video call) cho phép giao tiếp theo thời gian thực với khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán; các giao dịch chuyển tiền để gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng phương thức điện tử cho chính khách hàng tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó…

Tham khảo một số điều được sửa đổi, bổ sung của Thông tư 23/2014/TT-NHNN về việc hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Trong cuộc đua mở rộng thị phần, hiện nay, các ngân hàng đang rất tích cực tìm giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân của khách hàng để từ đócải tiến quy trình cung ứng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với mong muốn nối dài cánh tay của các ngân hàng tới tập khách hàng tiềm năng của mình, trong hệ sinh thái SMART DIGITAL BANK với các chuỗi giải pháp như SMART eKYC, SMART Form, SMART Booking, SMART RM, SMART Auto-Bank… Hyperlogy đã mang tới Giải pháp Online eKYC, đặc biệt với tính năng Video Call được nghiên cứu và hoàn thiện giúp quy trình Online eKYC trở nên thuận tiện, an toàn và phù hợp với nhu cầu giao dịch Online không gặp mặt tại bất kỳ nơi đâu của khách hàng.

Việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ, việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, kích cầu kinh tế hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

(Nguồn tham khảo: thitruongtaichinhtiente.vn)