Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Đề xuất chấp nhận định danh & xác thực điện tử bằng sinh trắc học

(Chinhphu.vn) – Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước.

Dự thảo nêu rõ: Một cá nhân hoặc một tổ chức có thể được định danh trên nhiều hệ thống, sử dụng các phương thức xác thực điện tử khác nhau, nhưng đều xác định chính xác và duy nhất một cá nhân hoặc một tổ chức trong đời thực.

Về giá trị pháp lý của định danh điện tử, dự thảo quy định, định danh điện tử có giá trị pháp lý trong các giao dịch điện tử tương đương với việc sử dụng giấy tờ định danh cá nhân, tổ chức trong đời thực, trừ trường hợp có quy định khác tại các luật chuyên ngành.

Thông tin định danh điện tử đối với cá nhân bao gồm: Định danh điện tử (trường khóa) và các thông tin định danh của cá nhân kèm theo, cụ thể như sau: Số chứng minh nhân dân; số định danh cá nhân; số hộ chiếu (đối với người nước ngoài); mã số bảo hiểm xã hội; mã số thuế cá nhân; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi sinh hoặc nơi đăng ký khai sinh; địa chỉ thường trú.

Các thông tin khác nếu tổ chức cung cấp định danh điện tử muốn thu thập thì cần sự cho phép của cá nhân.

Thông tin định danh điện tử đối với tổ chức bao gồm định danh điện tử và các thông tin định danh của tổ chức kèm theo, cụ thể như sau: Mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; mã số thuế của tổ chức; tên tổ chức; tên đơn vị cấp trên trực tiếp; địa chỉ; tên người đại diện theo pháp luật.

Về tổ chức cung cấp định danh điện tử và thông tin định danh điện tử (IDP), dự thảo nêu rõ, các tổ chức cung cấp định danh điện tử và thông tin định danh điện tử gốc là các tổ chức tạo lập thông tin định danh gốc của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, bao gồm: Bộ Công an; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Các phương thức xác thực điện tử

Theo dự thảo, xác thực điện tử được thực hiện dựa trên một hoặc kết hợp một số yếu tố xác thực sau đây: Xác thực điện tử dựa trên thông tin đối tượng yêu cầu xác thực biết; xác thực điện tử dựa trên thông tin đối tượng yêu cầu xác thực có; xác thực điện tử dựa trên đặc điểm của đối tượng yêu cầu xác thực (sinh trắc học).

Các yếu tố xác thực được sử dụng trong giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước: Tài khoản tên người sử dụng và mật khẩu (username/password); Mật khẩu sử dụng một lần (One-Time Password); số điện thoại di động; chứng thư số; đặc điểm sinh trắc học.

Dự thảo cũng nêu rõ, việc định danh và xác thực điện tử theo nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, trên cơ sở chia sẻ thông tin định danh giữa các hệ thống khác nhau.

Việc cấp, quản lý định danh điện tử đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo quyền riêng tư của người được định danh điện tử. Thông tin định danh điện tử của cá nhân, tổ chức được đảm bảo an toàn, bảo mật và chỉ được cung cấp cho bên thứ ba trên cơ sở có sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

Trong thực tế, giải pháp “Định danh điện tử” đã được Hyperlogy nghiên cứu, phát triển ứng dụng cho một số lĩnh vực như Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm với dòng sản phẩm “Định danh khách hàng điện tử – Smart eKYC” cũng như Dịch vụ công với dòng sản phẩm “Định danh công dân điện tử – Smart Citizen“,…

Sản phẩm có khả năng định danh người dùng bằng QR Code, thẻ thông minh (EMV, EMV Contactless), thẻ RFID, NFC, Giấy tờ thông thường (Như căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Bằng lái xe, Hộ chiếu,…),…. Ngoài ra, để đảm bảo tính xác thực, bảo mật cao cũng như thuận tiện trong sử dụng, Hyperlogy cũng đưa các công nghệ mới như Sinh trắc học (Biometrics) vào các giải pháp của mình, nâng cao trải nghiệm người dùng mà vẫn đảm bảo tính minh bạch, quyền riêng tư của người được định danh điện tử.

Đây cũng là xu thế tất yếu buộc mọi ngành nghề, lĩnh vực, từ doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi sang kỹ thuật số, công nghệ mới để tạo nên đột phá trong cải tiến quy trình vận hành để không bị lỡ nhịp trong tiến trình đổi mới mà chính phủ đã kêu gọi.