[Biztek] Những thách thức nào đang chờ các Ngân hàng số?

[Biztek] So với hoạt động ngân hàng truyền thống, Ngân hàng số (NHS) có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ nền tảng mô hình hoạt động số hóa, NHS sẽ cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới như thanh toán di động, cho vay tiêu dùng tín chấp trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, sản phẩm bảo hiểm số, đầu tư số… Thông qua tự động hóa quy trình, NHS giúp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý và bảo đảm hiệu quả vận hành.

Chính vì vậy, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà chính các ngân hàng thương mại cũng xác định phát chiển NHS là một chiến lược nền tảng tạo sức phát triển chứ không chỉ đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin. Nhưng nhìn chung, sự phát triển NHS ở Việt Nam còn chưa có nhiều đột phá, các sản phẩm NHS tuy có được đầu tư nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt. Để cải thiện điều này, các chuyên gia cho rằng phải áp dụng và cải tiến hoạt động NHS nhiều hơn nữa, từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng đến việc ứng dụng các giải pháp mới từ các đơn vị cung cấp giải pháp ngành ngân hàng.

Ông Kaushik Bagchi – Phó Giám Đốc Khối Kinh Doanh, ASG Technologies – một tập đoàn công nghệ cung cấp nhiều giải pháp ngành ngân hàng cho rằng: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có 4 lĩnh vực mà các NHS chịu tác động nhiều nhất. Thứ nhất là trải nghiệm khách hàng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ & kỹ thuật số, khách hàng mong đợi sự phản hồi nhanh chóng hơn cũng như những trải nghiệm tốt hơn. Thứ hai: Tự động hoá, AI (trí tuệ nhân tạo) và sự ra đời của nhiều công nghệ mới đang nâng cao hiệu quả, năng suất và trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Thứ ba: Chúng ta có thể nhận thấy sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm mới. Do đó, với việc sử dụng Open Banking and Open APIs để kết nối đa hệ thống, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm mới nhanh hơn, cũng như mang những sản phẩm này ra thị trường mục tiêu nhanh hơn. Thứ tư: quan trọng hơn tất cả là vấn đề bảo mật”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Venkatraman Rajagopalan – Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh, khu vực Đông Nam Á, Nucleus Ssoftware – cho rằng: “Ngành ngân hàng đứng trước một số thách thức như cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng và các định chế tài chính, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như IFRS, đồng thời Việt Nam cũng cần phải nâng cấp khả năng của NHS để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ví dụ điển hình như Ngân hàng Queensland (BOQ) tại Australia, để đảm bảo công tác chọn lọc khách hàng, tránh rủi ro và nâng cao khả năng vận hành, ngân hàng này đã đầu tư xây mới nền tảng công nghệ cho vay Nucleus Software, để thiết lập các quy trình số hóa, tự động hóa và hợp lí hóa để tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và ra quyết định tín dụng toàn diện. Với quy trình xử lí kỹ thuật số từ đầu đến cuối, BOQ đã giảm 99% thời gian để có quyền phê duyệt khoản vay và giảm 85% trong tổng thời gian chạm để xử lí ứng dụng. Đây chính là những lợi ích và xu thế chuyển đổi bắt buộc mà các ngân hàng phải tham gia“.

Tuy nhiên, trong thực tế phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, cũng còn một số rào cản mà các ngân hàng đang vấp phải, chẳng hạn như câu chuyện công nghệ “chờ” các quy định pháp luật và những hướng dẫn thực thi.

Theo ông Chu Xuân Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty Hyperlogy, một công ty “bản địa” cung cấp giải pháp ngân hàng, một trong những rào cản lớn nhất cho việc phát triển ngân hàng số là thiếu phương tiện cũng như hành lang pháp lý cho định danh điện tử (KYC – Know Your Customer) được thực hiện một cách đơn giản, thuận tiện.

Ông Vinh nói: “Trải nghiệm khách hàng ngày càng quan trọng, ngày nay giới trẻ cần sự thuận tiện, an toàn, chi phí thấp trong sử dụng dịch vụ ngân hàng. Họ không sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu như phải chờ điền tay vào nhiều biểu mẫu phức tạp, chờ giao dịch lâu… Vì vậy gia tăng trải nghiệm, giảm chi phí, số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường khi số lượng người sử dụng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn lớn có thể đươc coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Áp dụng công nghệ mới như Biometric, AI/Deep Learning, Machine Learning trong các ứng dụng thực tiễn của ngân hàng là xu hướng tất yếu để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, nó phải đi cùng với nghiệp vụ để tạo ra các ứng dụng cụ thể phục vụ ngân hàng“.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, với một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng và mang tính chất nhạy cảm với an ninh tiền tệ như ngân hàng số, việc đặt ra các quy định pháp luật và áp dụng chúng đều đòi hỏi sự cẩn trọng tất yếu. Bên cạnh các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu của lĩnh vực này, chẳng hạn như giám sát dòng tiền của các ngân hàng ảo để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ tiền cho các hoạt động phi pháp…, cần có các công cụ kỹ thuật để giám sát doanh thu, ghi nhận thuế, quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ Luật An ninh mạng…

(Nguồn: http://www.biztek.vn/ca125-s148-n37676-nhung-thach-thuc-nao-dang-cho-cac-ngan-hang-so.htm)