Triển khai Thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử – Bước tiến quan trọng góp phần xây dựng “Chính phủ điện tử”

Đầu tháng 09/2020, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Theo dự kiến, từ tháng 01/2021, các tỉnh, thành triển khai cấp CCCD gắn chip điện tử đồng bộ trên toàn quốc. Các đơn vị Công an địa phương tiến hành cấp CCCD tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu hướng tới đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Thẻ căn cước công dân mới sẽ là tài nguyên dùng chung cho các bộ, ngành khi khai thác thông tin, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân trong thực hiện các giao dịch dân sự và góp phần xây dựng chính phủ điện tử.

Theo như Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ công an, số liệu bà tiếp cận từ báo chí trình bày hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chip, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990.

Thẻ CCCD gắn chip điện tử là gì?

Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID), có kích thước như thẻ ATM và có tích hợp chip bên trong. Đây là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái… Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, qua đó cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi nhiều loại giấy tờ khác nhau.

Lợi ích khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử

Được biết, CCCD gắn chip điện tử có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy xuất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và dễ dàng, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người dùng có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh Thừa Thiên Huế Ứng dụng Nhận diện khuôn mặt trong dự án “Chuẩn hoá thông tin cơ sở dữ liệu người dùng Dịch vụ công trực tuyến”

Nó còn tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế, sinh trắc học, nhận dạng… Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây, tăng tính thuận tiện và nó hoàn toàn phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay.

Thẻ CCCD sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch:

– Tính bảo mật cao: Mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi, không thể giả mạo và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính.

– Thuận tiện: Khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ nhanh chóng được định danh điện tử và dễ dàng thực hiện được các giao dịch.

Theo mục tiêu đề ra, để đạt được 50 triệu Thẻ Căn cước công dân theo cam kết của Bộ Công an, đáp ứng việc triển khai Luật căn cước công dân, Luật cư trú (sửa đổi), Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi để kịp thời thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

(Nguồn tổng hợp: Tạp chỉ tổ chức nhà nước, CAND Online và một số nguồn khác)

Đọc thêm
Xây dựng Công dân điện tử – Khâu then chốt trong tiến trình triển khai Chính phủ điện tử
Định danh công dân điện tử: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới